CÔNG TY LUẬT TNHH MỘT THÀNH VIÊN LEGAL DING

Ngày đăng: 18/07/2024

 

 

GIẾT NGƯỜI RỒI TỰ SÁT TRÁCH NHIỆM THUỘC VỀ AI ?

Trong thời gian gần đây, xã hội đã chứng kiến nhiều vụ án mạng, đặc điểm chung là sau khi gây án hung thủ thường chọn cách tự tử để trốn tránh trách nhiệm trước pháp luật đối với hậu quả do mình gây ra. Các trường hợp trên khiến nhiều người cùng đặt ra câu hỏi rằng: “Khi hung thủ đã chết, vậy trách nhiệm còn lại thuộc về ai?”

Trách nhiệm hình sự trong trường hợp hung thủ đã chết

Người có hành vi giết người thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội giết người theo Điều 123 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017). Tuy nhiên, trong trường hợp mà chỉ có một người duy nhất là hung thủ và đã có kết luận rằng người này đã chết, trừ trường hợp cần tái thẩm đối với người khác theo khoản 7 của Điều 157 Bộ luật Tố tụng Hình sự 2015, Viện kiểm sát sẽ không khởi tố vụ án hình sự. Đồng thời, Cơ quan điều tra sẽ ra quyết định đình chỉ điều tra theo quy định tại khoản 1 Điều 230 Bộ luật Tố tụng Hình sự 2015.

Trường hợp hung thủ gây án đã chết nhưng vụ án xác định còn đồng phạm bao gồm người tổ chức, xúi giục, giúp sức thì vụ án vẫn sẽ được điều tra, khởi tố và xử lý theo quy định của pháp luật.

Trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong trường hợp hung thủ đã chết

Điều 591 của Bộ luật Dân sự 2015 quy định về  bồi thường thiệt hại do tính mạng bị xâm phạm như sau:

“Điều 591. Thiệt hại do tính mạng bị xâm phạm

1. Thiệt hại do tính mạng bị xâm phạm bao gồm: 

a) Thiệt hại do sức khỏe bị xâm phạm theo quy định tại Điều 590 của Bộ luật này;

b) Chi phí hợp lý cho việc mai táng;

c) Tiền cấp dưỡng cho những người mà người bị thiệt hại có nghĩa vụ cấp dưỡng;

d) Thiệt hại khác do luật quy định.

2. Người chịu trách nhiệm bồi thường trong trường hợp tính mạng của người khác bị xâm phạm phải bồi thường thiệt hại theo quy định tại khoản 1 Điều này và một khoản tiền khác để bù đắp tổn thất về tinh thần cho những người thân thích thuộc hàng thừa kế thứ nhất của người bị thiệt hại, nếu không có những người này thì người mà người bị thiệt hại đã trực tiếp nuôi dưỡng, người đã trực tiếp nuôi dưỡng người bị thiệt hại được hưởng khoản tiền này. Mức bồi thường bù đắp tổn thất về tinh thần do các bên thỏa thuận; nếu không thỏa thuận được thì mức tối đa cho một người có tính mạng bị xâm phạm không quá một trăm lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định.”

Theo khoản 1 Điều 615 Bộ luật Dân sự 2015, những người hưởng thừa kế có trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ tài sản trong phạm vi di sản do người chết để lại, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.

Theo điểm a khoản 1 Điều 651 Bộ luật Dân sự 2015, hàng thừa kế thứ nhất gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết.

Vì hung thủ đã chết nên người nhận thừa kế của hung thủ có nghĩa vụ bồi thường về tính mạng, tài sản và tinh thần cho những người thuộc hàng thừa kế thứ nhất của nạn nhân. Nếu không có những người này thì người mà người bị thiệt hại đã trực tiếp nuôi dưỡng, người đã trực tiếp nuôi dưỡng người bị thiệt hại được hưởng khoản tiền này.

Trong trường hợp hung thủ đã chết không còn tài sản thì người bị thiệt hại không có căn cứ để yêu cầu bồi thường thiệt hại. Người thân của người này không có nghĩa vụ phải bồi thường thay, trừ khi họ tự nguyện bồi thường thay người đã chết.

Từ những trường hợp thực tế đã xảy ra, bài học kinh nghiệm rút ra rằng khi đối mặt với những người có vấn đề về tiền bạc hoặc bị cuồng nộ vì ghen tuông tình cảm,… thì sự tỉnh táo và bình tĩnh để tìm cách giải quyết xung đột một cách khôn ngoan là “chìa khóa” để tránh diễn biến căng thẳng trở thành thảm họa. Chỉ một cử chỉ hay hành động khôn ngoan, và sự kiên nhẫn trong những khoảnh khắc quan trọng có thể ngăn ngừa những bi kịch đáng tiếc xảy ra.

 

 

 

 
CÔNG TY LUẬT TNHH MỘT THÀNH VIÊN LEGAL DING

Địa chỉ: 125 Bế Văn Đàn, phường Chính Gián, quận Thanh Khê, thành phố Đà Nẵng
Email: luatlegalding@gmail.com
Điện thoại: 0935817456 - 0903891189

Chi nhánh

Dịch vụ