CÔNG TY LUẬT TNHH MỘT THÀNH VIÊN LEGAL DING

MỘT SỐ VẤN ĐỀ PHÁP LÝ VỀ HỢP ĐỒNG ĐIỆN TỬ TRONG THƯƠNG MẠI ĐIỆN TỬ

Ngày đăng: 12/01/2024

Thương mại điện tử (TMĐT) đã và đang phát triển như một xu thế tất yếu trong thời đại công nghệ hiện nay. Hợp đồng điện tử được thực hiện trên nền tảng này ngày càng phổ biến, đa dạng về hình thức, nội dung, cách thức thực hiện và cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro pháp lý mà các chủ thể thực hiện không lường trước được cũng như thiếu căn cứ pháp lý để được bảo đảm. Vì vậy, bài viết tập trung phân tích các quy định pháp luật Việt Nam liên quan đến hiệu lực hợp đồng điện tử trong thương mại điện tử và đưa ra một số phương hướng, giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả pháp luật về vấn đề này.

 

CÁC MÔ HÌNH KINH DOANH THƯƠNG MẠI ĐIỆN TỬ HIỆN NAY

                                                               Hình ảnh minh họa

 

1. Định nghĩa hợp đồng điện tử trong thương mại điện tử

 

– Định nghĩa hợp đồng điện tử 

 

Việt Nam đã thừa nhận sự tồn tại và tính pháp lý của hợp đồng điện tử từ rất lâu. Luật Giao dịch điện tử 2005 có hiệu lực 01/3/2006 quy định về giao dịch điện tử trong lĩnh vực dân sự, kinh doanh, thương mại,… Trong đó, Luật này quy định: “Giao dịch điện tử là giao dịch được thực hiện bằng phương tiện điện tử”; “Hợp đồng điện tử là hợp đồng được thiết lập và dưới dạng thông điệp dữ liệu…”; trong đó “Thông điệp dữ liệu” là “thông tin được tạo ra, được gửi đi, được nhận và được lưu trữ bằng phương tiện điện tử”.

 

Hợp đồng điện tử là một loại hợp đồng, vì vậy để hiểu rõ tính pháp lý của hợp đồng điện tử cần đối chiếu đến khái niệm hợp đồng trong quy định của “luật gốc” – Bộ luật Dân sự 2015. Điều 385 Bộ luật Dân sự (BLDS) năm 2015 quy định về khái niệm hợp đồng: “Hợp đồng là sự thoả thuận giữa các bên về việc xác lập, thay đổi hoặc chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự”.

 

Nếu nội dung của hợp đồng điện tử liên quan đến việc mua bán hàng hóa thì cần đối chiếu với định nghĩa mua bán hàng hoá và hợp đồng mua bán hàng hóa như sau: “Mua bán hàng hoá là hoạt động thương mại, theo đó bên bán có nghĩa vụ giao hàng, chuyển quyền sở hữu hàng hoá cho bên mua và nhận thanh toán; bên mua có nghĩa vụ thanh toán cho bên bán, nhận hàng và quyền sở hữu hàng hoá theo thoả thuận”. 

 

Hợp đồng mua bán hàng hoá là sự thoả thuận giữa các bên, theo đó bên bán có nghĩa vụ giao hàng, chuyển quyền sở hữu hàng hoá cho bên mua và nhận thanh toán; bên mua có nghĩa vụ thanh toán cho bên bán, nhận hàng và quyền sở hữu hàng hoá theo thoả thuận.

 

Nếu nội dung của hợp đồng điện tử liên quan đến việc thực hiện một công việc và nhận lại tiền dịch vụ thì đối chiếu tới định nghĩa hợp đồng dịch vụ: “Hợp đồng dịch vụ là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên cung ứng dịch vụ thực hiện công việc cho bên sử dụng dịch vụ, bên sử dụng dịch vụ phải trả tiền dịch vụ cho bên cung ứng dịch vụ”.

 

Dù phương thức giao kết hợp đồng là căn cứ để định nghĩa hợp đồng điện tử, thì về nội dung, hình thức của hợp đồng điện tử vẫn có thể được đối chiếu theo các quy định pháp luật chuyên ngành khác để đảm bảo cơ sở pháp lý của loại hợp đồng này.

 

– Định nghĩa thương mại điện tử

 

Nghị định số 52/2013/NĐ-CP ban hành ngày 16/5/2013 về thương mại điện tử đã định nghĩa: “Hoạt động thương mại điện tử là việc tiến hành một phần hoặc toàn bộ quy trình của hoạt động thương mại bằng phương tiện điện tử có kết nối với mạng Internet, mạng viễn thông di động hoặc các mạng mở khác”.

 

Từ các phân tích trên, có thể đưa ra định nghĩa hợp đồng điện tử trong TMĐT như sau: “Hợp đồng điện tử trong thương mại điện tử là hợp đồng được thiết lập dưới dạng thông điệp dữ liệu bằng phương tiện điện tử có kết nối với mạng Internet, mạng viễn thông di động hoặc các mạng mở khác, mà trong đó các bên thỏa thuận về việc xác lập, thay đổi hoặc chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự”.

 

2. Quy định về hiệu lực pháp lý của Hợp đồng điện tử trong thương mại điện tử

 

Pháp luật Việt Nam không quy định cụ thể hợp đồng điện tử trong TMĐT có hiệu lực khi đáp ứng đủ những điều kiện như thế nào, mà thông qua thực tiễn hợp đồng điện tử trong TMĐT được giao kết, thực hiện, điều chỉnh hoặc chấm dứt mà chủ thể đã khiến cho hợp đồng điện tử có hiệu lực pháp lý. Có thể hình dung, cụ thể thông qua các quy định về giao dịch dân sự trong Bộ luật Dân sự 2015, và các nguyên tắc về giao kết hợp đồng thương mại trong Luật Thương mại 2005, hiệu lực pháp lý của hợp đồng điện tử trong TMĐT được thể hiện như sau: 

 

(i) Điều kiện về chủ thể của hợp đồng; 

 

(ii) Điều kiện về sự tự nguyện tham gia quan hệ hợp đồng; 

 

(iii) Điều kiện về mục đích và nội dung của hợp đồng không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội; 

 

(iv) Và điều kiện về hình thức hợp đồng.

 

Hợp đồng điện tử có yếu tố nước ngoài không còn là vấn đề xa lạ trong thương mại điện tử bởi mạng Internet, mạng viễn thông hoặc các mạng mở khác đã xóa bỏ khoảng cách địa lý, ranh giới lãnh thổ giữa các quốc gia và người sử dụng mạng với nhau. Hợp đồng điện tử trong TMĐT có yếu tố nước ngoài cần phải có nội dung tuân thủ cả các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên để bảo đảm tính pháp lý của loại hợp đồng này.

 

2.1. Điều kiện về chủ thể của hợp đồng

 

Chủ thể trong hợp đồng điện tử trong TMĐT không chỉ bao gồm bên mua và bên bán, hoặc bên cung ứng dịch vụ và bên sử dụng dịch vụ, mà còn có thể được giao kết trên các sàn thương mại điện tử nên có thể xuất hiện bên trung gian là các tổ chức cung cấp dịch vụ thương mại điện tử bằng phương tiện điện tử có kết nối với mạng Internet có kết nối với mạng Internet, mạng viễn thông, di động,…

 

Thứ nhất, bên mua/bên sử dụng dịch vụ, bên bán/bên cung ứng dịch vụ: là các thương nhân, tổ chức, cá nhân sử dụng phương tiện điện tử để thực hiện việc mua bán hàng hoá hoặc cung cấp, sử dụng dịch vụ. Việc xác định năng lực pháp luật hành vi và năng luật pháp luật dân sự đối với chủ thể của quan hệ hợp đồng điện tử đặt ra một thách thức đối với đối tượng muốn giao kết và thực hiện hợp đồng này, vì các bên không trực tiếp gặp nhau mà đưa ra mong muốn, yêu cầu, thỏa thuận trực tiếp bằng phương tiện điện tử kết nối các mạng Internet, mạng viễn thông… Các yêu cầu về hình thức pháp nhân hoặc giấy phép hoạt động chuyên ngành đối với hàng hóa, dịch vụ hầu như không thể kiểm tra, đối chiếu, mà hoàn toàn phụ thuộc vào sự tin tưởng đối với nhau. 

 

Thứ hai, bên trung gian là các tổ chức cung cấp dịch vụ thương mại điện tử bằng phương tiện điện tử.

 

Để phân biệt bên trung gian với bên bán/bên cung ứng dịch vụ, ta xem xét cá nhân/pháp nhân cung cấp hàng hóa/dịch vụ trên không gian mạng bán hàng hóa của mình, tự mình thực hiện việc cung ứng dịch vụ hay chủ thể này mở không gian mạng cho các cá nhân/pháp nhân khác sử dụng sàn TMĐT của mình và thu phí quản lý/trung gian.

 

Ví dụ: Shopee là sàn TMĐT được đăng ký với Bộ Công thương để cung cấp dịch vụ trung gian thương mại, để bên bán là các cá nhân/thương nhân đưa sản phẩm hàng hóa của mình lên sàn TMĐT, bên mua mua hàng hóa của bên bán với giá sản phẩm đã được bên bán điều chỉnh bao gồm cả phí quản lý/trung gian của Shopee. (Theo Quy chế hoạt động sàn thương mại điện tử shopee.vn).

 

Theo khoản 8 điều 3 Nghị định số 52/2013/NĐ-CP, khoản 9 Điều 1 Nghị định 85/2021/NĐ-CP, các website bán hàng hay cung ứng dịch vụ có chức năng đặt hàng trực tuyến đều phải thực hiện việc thông báo với Bộ Công thương thông qua địa chỉ web là http://online.gov.vn/ – Cổng thông tin Quản lý hoạt động thương mại điện tử.

 

Căn cứ khoản 1 Điều 36, khoản 1 Điều 41, khoản 1 Điều 46 và Điều 54 Mục 2 Chương IV Nghị định 52/2013/NĐ-CP về thương mại điện tử quy định, một số website cần phải đăng ký với Bộ Công thương bao gồm:

 

– Sàn giao dịch thương mại điện tử;

 

– Website khuyến mại trực tuyến;

 

– Website đấu giá trực tuyến;

 

Các quy định trên thể hiện sự quản lý nghiêm túc của cơ quan chức năng, thể hiện sự sát sao trong việc bảo đảm các giao dịch thương mại điện tử được thực hiện tuân thủ pháp luật, các bên tham gia vào hợp đồng điện tử tự mình bảo đảm điều kiện đầy đủ năng lực pháp luật và năng lực hành vi dân sự, bên trung gian kiểm soát các nội dung của giao dịch thương mại điện tử, bảo đảm quyền lợi người tiêu dùng và hạn chế việc lợi dụng không gian mạng thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật.

 

2.2. Điều kiện về ý chí của chủ thể giao kết hợp đồng thương mại

 

Theo truyền thống, tự do, tự nguyện cam kết, thỏa thuận là tiêu chí quan trọng để các chủ thể của quan hệ giao dịch dân sự nói chung và quan hệ hợp đồng điện tử nói riêng xác lập, thực hiện, chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự của mình. Tự nguyện là tự do định đoạt ý chí trong việc lựa chọn hướng xác lập quan hệ mua bán hàng hoá cụ thể và tự nguyện, không bị đe dọa, cưỡng ép trong xác lập, thực hiện, chấm dứt quyền, nghĩa vụ của các bên là yêu cầu cơ bản đối với quan hệ hợp đồng điện tử trong TMĐT. Vi phạm quy định trên đây, hợp đồng điện tử trong TMĐT cụ thể đó có thể bị coi là vô hiệu. (Theo Điều 127 Bộ luật Dân sự 2015).

 

Tuy nhiên, do hợp đồng điện tử được ký kết trên không gian mạng bằng phương tiện điện tử, nên bên mua và bên bán không gặp nhau, không thể xác định được tính tự nguyện của các bên trong tham gia giao dịch. Người mua chỉ biết được về hàng hoá thông qua những thông tin bao gồm hình ảnh, mô tả sản phẩm, giá cả mà người bán cung cấp mà không có bất kì hoạt động kiểm tra, trải nghiệm nào đối với hàng hoá. Nên khi hợp đồng điện tử được xác lập, các bên mặc định giao dịch này hoàn toàn tự nguyện và tất cả nội dung hợp đồng điện tử đều được các bên đồng ý. Đây là vấn đề không thể không nhắc đến trong quy chế pháp lý của hợp đồng điện tử, nhưng cũng như trong các giao dịch dân sự khác được thực hiện trực tiếp, việc chứng minh ý chí của chủ thể khi giao kết hợp đồng điện tử là không tự nguyện, bị đe dọa, cưỡng ép thậm chí còn gần như bất khả thi.

 

Một điều kiện về ý chí của chủ thể tham gia hợp đồng điện tử thông thường được mang ra tranh luận hơn là việc giao dịch điện tử được xác lập một cách nhầm lẫn. Điều 126 Bộ luật Dân sự 2015 quy định:

 

“Điều 126. Giao dịch dân sự vô hiệu do bị nhầm lẫn: 

 

1. Trường hợp giao dịch dân sự được xác lập có sự nhầm lẫn làm cho một bên hoặc các bên không đạt được mục đích của việc xác lập giao dịch thì bên bị nhầm lẫn có quyền yêu cầu Tòa án tuyên bố giao dịch dân sự vô hiệu, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này.

 

2. Giao dịch dân sự được xác lập có sự nhầm lẫn không vô hiệu trong trường hợp mục đích xác lập giao dịch dân sự của các bên đã đạt được hoặc các bên có thể khắc phục ngay được sự nhầm lẫn làm cho mục đích của việc xác lập giao dịch dân sự vẫn đạt được”.

 

Thực tế hiện nay, thông thường các hợp đồng mua bán hàng hóa trên sàn TMĐT có giá trị từ rất nhỏ đến lớn. Các hợp đồng có giá trị rất lớn – thông thường là bán buôn thì bên mua và bên bán trực tiếp tìm đến nhau nhằm thỏa thuận giảm chi phí (đơn giá, phí trung gian, phí vận chuyển…) của hợp đồng chứ không giao kết hợp đồng trên sàn TMĐT. Như vậy, các hợp đồng có giá trị nhỏ, vừa và không quá lớn sẽ không có cơ sở chứng minh việc nhầm lẫn trong việc giao kết các nội dung của hợp đồng điện tử. Nếu quy chế hoạt động của sàn TMĐT có quy định về việc bên mua và bên bán xác lập hợp đồng điện tử với nhau thì mặc định các bên đã kiểm tra kỹ thông tin của hợp đồng, không có sự nhầm lẫn nào và cũng sẽ không thể giải quyết tranh chấp tại cơ quan tài phán với các hợp đồng điện tử dạng này.

 

2.3. Điều kiện về mục đích và nội dung của hợp đồng không vi phạm điều cấm của pháp luật, không trái đạo đức xã hội

 

Đạo đức là khái niệm hết sức phổ biến trong dân gian nhưng nó cũng mang tính học thuật nên có nhiều cách hiểu khác nhau về vấn đề này. Trong đời sống hàng ngày, đạo đức thường được nhất với ý thức đạo đức cá nhân, đó là đức hạnh, phẩm chất của con người, những nét đẹp, nét tốt, những phẩm chất tốt đẹp của con người do tu dưỡng theo những tiêu chuẩn đạo đức xã hội mà có. (Theo Giáo trình Lí luận chung Nhà nước và Pháp luật, Trường Đại học Luật Hà Nội, tr.231).

 

Khi các bên tiến hành giao kết hợp đồng điện tử trong TMĐT, nội dung của hợp đồng nhìn chung phải phù hợp, không vi phạm điều cấm của luật và phải phù hợp với đạo đức đẹp đẽ trong lối sống của con người Việt Nam. Nếu nội dung của hợp đồng mua bán tồn tại các điều khoản trái với quy định của luật hay trái với đạo đức thì hợp đồng điện tử này sẽ vô hiệu.

 

Thực tế hiện nay, một số sàn TMĐT vì việc cạnh tranh trong kinh doanh dịch vụ trung gian thương mại mà bên trung gian chấp nhận việc tiếp thị, quảng cáo cho những sản phẩm nhạy cảm, không phù hợp cho đa số khách hàng, người tiêu dùng nhằm tăng tương tác, làm môi trường an toàn an ninh mạng bị xâm phạm, ảnh hưởng đến thuần phong mỹ tục của xã hội. Cá nhân sử dụng mạng Internet, mạng xã hội… có quyền lựa chọn nội dung, hình ảnh mà mình muốn xem. Bộ phận người chưa thành niên tham gia mạng xã hội cũng rất nhiều, nhưng thực trạng trên diễn ra phổ biến đến mức khiến chúng ta lo lắng, cần khẩn thiết yêu cầu cơ quan chức năng vào cuộc sát sao, có chế tài với các sàn TMĐT vi phạm quy định về nội dung hợp đồng điện tử không vi phạm điều cấm của pháp luật, không trái đạo đức xã hội thì hậu quả, thậm chí đình chỉ hoạt động vĩnh viễn. 

 

2.4. Điều kiện về hình thức

 

Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định về điều kiện về hình thức của giao dịch dân sự tại Điều 119 như sau:

 

“Điều 119. Hình thức giao dịch dân sự

 

1. Giao dịch dân sự được thể hiện bằng lời nói, bằng văn bản hoặc bằng hành vi cụ thể.

 

Giao dịch dân sự thông qua phương tiện điện tử dưới hình thức thông điệp dữ liệu theo quy định của pháp luật về giao dịch điện tử được coi là giao dịch bằng văn bản.

 

2. Trường hợp luật quy định giao dịch dân sự phải được thể hiện bằng văn bản có công chứng, chứng thực, đăng ký thì phải tuân theo quy định đó”.

 

Đối với hợp đồng điện tử trong TMĐT, do được hình thành trên nền tảng các sàn giao dịch TMĐT nên hợp đồng được lưu trữ dưới dạng thông điệp dữ liệu. Mặc dù chưa quy định chi tiết về hình thức hợp đồng điện tử nhưng tại Điều 10 Luật Giao dịch điện tử 2005 đã ghi nhận hình thức của thông điệp dữ liệu như sau: “Thông điệp dữ liệu được thể hiện dưới hình thức trao đổi dữ liệu điện tử, chứng từ điện tử, thư điện tử, điện tín, điện báo, fax và các hình thức tương tự khác”.

 

Nếu coi thông điệp dữ liệu theo quy định của pháp luật về giao dịch điện tử có giá trị như văn bản, thì quy chế pháp lý đối với hình thức của hợp đồng điện tử có thể hiểu như quy định pháp luật về việc xác định chủ thể giao kết các nội dung trong hợp đồng điện tử là có thật. Nếu muốn chứng thực chữ ký của các bên trong hợp đồng thương mại thì các bên trực tiếp xác lập, ký kết hợp đồng trước mặt công chứng viên hoặc cán bộ tư pháp, thì việc chứng thực chữ ký của các bên trong hợp đồng điện tử cơ chế hoàn toàn khác. Nghị định 130/2018/NĐ-CP thay thế Nghị định 26/2007/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành Luật Giao dịch điện tử 2005 về chữ ký số và dịch vụ chứng thực chữ ký số. Chữ ký số là một dạng chữ ký điện tử được tạo ra bằng sự biến đổi một thông điệp dữ liệu sử dụng hệ thống mật mã không đối xứng, theo đó, người có được thông điệp dữ liệu ban đầu và khóa công khai của người ký có thể xác định được chính xác

 

Hợp đồng điện tử nói chung được coi là hợp đồng được giao kết bằng văn bản. Theo quy định pháp luật Việt Nam hiện hành, một số loại hợp đồng được quy định về hình thức phải được lập thành văn bản như: Hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế, hợp đồng dịch vụ khuyến mại, hợp đồng đại diện cho thương nhân ,… Như vậy, nếu các hợp đồng trên được thực hiện bằng phương tiện điện tử thì việc sử dụng chữ ký số là cần thiết để giao dịch điện tử trên không bị vô hiệu về mặt hình thức.  

 

Ngày nay, hợp đồng thông minh (smart contract) ứng dụng công nghệ blockchain đã không còn xa lạ với mọi người. “Hợp đồng thông minh là những hợp đồng được viết bằng mã máy tính và vận hành trên nền tảng công nghệ Blockchain hay sổ cái phân tán”. Đây là một loại hợp đồng điện tử phổ biến nhưng chưa được pháp luật công nhận. Khác với hợp đồng điện tử được chứng thực chữ ký số, smart contract được giao kết và ghi nhận trên cơ sở dữ liệu điện tử và sử dụng công nghệ blockchain để đảm bảo các đặc điểm (tính ẩn danh, tính phân tán, tính ổn định, chắc chắn, tính kiểm tra và truy vết), từ đó đạt được những hiệu quả nổi trội, thể hiện tính thông minh trong phương thức giao kết hợp đồng điện tử. Dù vậy, vì pháp luật Việt Nam vẫn chưa ghi nhận giá trị pháp lý của smart contract, nên chủ thể khi giao kết hợp đồng thông minh cần cân nhắc các rủi ro trước khi thực hiện giao dịch dân sự này.

 

3. Một số kiến nghị hoàn thiện pháp lý về hiệu lực hợp đồng mua bán hàng hóa trong giao dịch thương mại điện tử ở Việt Nam

 

– Cần phải bổ sung các quy định pháp luật về điều kiện có hiệu lực của hợp đồng điện tử thay vì sử dụng quy định về điều kiện có hiệu lực của một giao dịch dân sự tại Bộ luật Dân sự năm 2015 do sự phổ biến của hợp đồng điện tử ngày nay. 

 

Bởi xuất phát từ tính đặc thù của hợp đồng điện tử trong TMĐT nên việc sử dụng các quy định của giao dịch dân sự sang áp dụng cho loại hợp đồng thương mại này còn nhiều khó khăn khi áp dụng. Việc bổ sung các quy định của Luật Thương mại về điều kiện có hiệu lực của hợp đồng điện tử, điều kiện tuyên hợp đồng điện tử vô hiệu và xử lý hậu quả pháp lý của việc tuyên hợp đồng điện tử vô hiệu sẽ tách bạch hợp đồng điện tử và có tính phổ biến khi áp dụng các quy định trên hơn –  khi mà hợp đồng điện tử được giao kết và thực hiện ngày càng nhiều.

 

– Bổ sung những quy định của pháp luật về căn cứ chứng minh cho việc hợp đồng điện tử trong TMĐT vô hiệu do chủ thể không đủ năng lực pháp lý

 

Do các bên không gặp nhau mà chỉ giao kết qua nền tảng TMĐT nên việc kiểm tra, kiểm soát về năng lực pháp luật dân sự và năng lực hành vi dân sự của chủ thể hợp đồng điện tử cũng vô cùng khó khăn. Thay vì kiểm soát và “chạy theo” giải quyết việc hợp đồng điện tử trong TMĐT vô hiệu do chủ thể không đủ năng lực pháp lý, thì cần nhìn nhận rằng người giám hộ hoặc người đại diện theo pháp luật của chủ thể giao kết hợp đồng điện tử không đủ năng lực pháp lý đó phải có nghĩa vụ trong việc quản lý, chịu trách nhiệm cho thiệt hại của người phụ thuộc, người được đại diện của mình gây ra. Phương thức thực hiện giao kết hợp đồng không làm thay đổi bản chất của giao dịch dân sự được xác lập hợp pháp. Nhận định này nên được cụ thể hóa trong văn bản quy phạm pháp luật trực tiếp điều chỉnh hiệu lực của hợp đồng điện tử trong TMĐT để tránh gây khó khăn khi áp dụng và giải quyết tranh chấp.

 

– Quy định cụ thể trách nhiệm liên đới của bên trung gian trong TMĐT đối với các chủ thể hợp đồng điện tử trong trường hợp xảy ra tranh chấp

 

Hợp đồng điện tử trong TMĐT có những đặc thù riêng về nội dung và hình thức mà trong đó thường xuyên xảy ra những tranh chấp trong việc thực hiện hợp đồng. Nếu bên mua chịu thiệt hại do bên bán cung cấp hàng hóa không đúng với mô tả trên sàn TMĐT mà có căn cứ cho rằng thông tin đó đã được phản ánh tới bên trung gian nhưng không được xử lý triệt để, khiến cho bên bán vẫn tiếp tục gây thiệt hại cho người mua khác, thì bên trung gian phải chịu trách nhiệm liên đới trong việc bồi thường thiệt hại đối với bên bị vi phạm… Những quy định dạng như vậy sẽ đề cao tính trách nhiệm của bên trung gian trong vai trò trung gian thương mại, quản lý sàn TMĐT, hoàn thiện quy chế hoạt động và cơ chế kiểm soát, cơ chế giải quyết tranh chấp giữa các chủ thể hợp đồng điện tử trong TMĐT. 

 

Kết luận

 

Điều kiện có hiệu lực của hợp đồng điện tử trong TMĐT cũng tương đồng với điều kiện có hiệu lực của giao dịch dân sự, ngoại trừ việc hợp đồng điện tử được thể hiện bằng thông điệp dữ liệu trên không gian mạng. Nhìn nhận quy phạm pháp luật về hợp đồng điện tử dưới các quy định pháp luật hiện hành sẽ tránh được các rủi ro pháp lý khi các bên giao kết và thực hiện hợp đồng điện tử trong TMĐT, minh bạch hóa, đảm bảo an toàn cho các giao dịch điện tử nói chung, hợp đồng điện tử trong TMĐT nói riêng. Vì mục tiêu chuyển đổi số, hướng tới phát triển bền vững nền kinh tế thị trường của đất nước, việc hoàn thiện quy chế pháp lý của hợp đồng điện tử trong TMĐT là việc làm quan trọng, góp phần xây dựng không nhỏ vào mục tiêu chung và thúc đẩy hội nhập hóa với xu thế kinh tế thế giới của quốc gia.

 

Nguồn: https://lsvn.vn/mo-t-so-va-n-de-pha-p-ly-ve-ho-p-do-ng-die-n-tu-trong-thuong-ma-i-die-n-tu-1703577171.html

CÔNG TY LUẬT TNHH MỘT THÀNH VIÊN LEGAL DING

Địa chỉ: 125 Bế Văn Đàn, phường Chính Gián, quận Thanh Khê, thành phố Đà Nẵng
Email: luatlegalding@gmail.com
Điện thoại: 0935817456 - 0903891189

Chi nhánh

Dịch vụ