CÔNG TY LUẬT TNHH MỘT THÀNH VIÊN LEGAL DING

HÀNH VI QUAY LÉN NGƯỜI KHÁC CÓ VI PHẠM PHÁP LUẬT KHÔNG ?

Ngày đăng: 28/06/2024

Hành vi quay lén là hành vi lén lút ghi hình hoặc chụp ảnh người khác mà không có sự đồng ý của họ. Đây là một hành động xâm phạm quyền riêng tư và thường diễn ra trong các tình huống như phòng thay đồ, nhà vệ sinh công cộng, hoặc các không gian cá nhân khác.

Điều 20 Hiến pháp 2013 quy định:

“1. Mọi người có quyền bất khả xâm phạm về thân thể, được pháp luật bảo hộ về sức khoẻ, danh dự và nhân phẩm; không bị tra tấn, bạo lực, truy bức, nhục hình hay bất kỳ hình thức đối xử nào khác xâm phạm thân thể, sức khỏe, xúc phạm danh dự, nhân phẩm.”

Điều 21. Hiến pháp 2013 quy định:

“1. Mọi người có quyền bất khả xâm phạm về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân và bí mật gia đình; có quyền bảo vệ danh dự, uy tín của mình.

Thông tin về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình được pháp luật bảo đảm an toàn.”

Điều 32 Bộ luật Dân sự 2015 quy định: Quyền của cá nhân đối với hình ảnh

“1. Cá nhân có quyền đối với hình ảnh của mình.

Việc sử dụng hình ảnh của cá nhân phải được người đó đồng ý.

Việc sử dụng hình ảnh của người khác vì mục đích thương mại thì phải trả thù lao cho người có hình ảnh, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác.

2. Việc sử dụng hình ảnh trong trường hợp sau đây không cần có sự đồng ý của người có hình ảnh hoặc người đại diện theo pháp luật của họ:

a) Hình ảnh được sử dụng vì lợi ích quốc gia, dân tộc, lợi ích công cộng;

b) Hình ảnh được sử dụng từ các hoạt động công cộng, bao gồm hội nghị, hội thảo, hoạt động thi đấu thể thao, biểu diễn nghệ thuật và hoạt động công cộng khác mà không làm tổn hại đến danh dự, nhân phẩm, uy tín của người có hình ảnh.

3. Việc sử dụng hình ảnh mà vi phạm quy định tại Điều này thì người có hình ảnh có quyền yêu cầu Tòa án ra quyết định buộc người vi phạm, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan phải thu hồi, tiêu hủy, chấm dứt việc sử dụng hình ảnh, bồi thường thiệt hại và áp dụng các biện pháp xử lý khác theo quy định của pháp luật.”

Như vậy, theo quy định trên thì cá nhân có quyền đối với hình ảnh của mình và việc người có hành vi quay lén người khác đồng nghĩa với việc chưa có sự đồng ý của người bị quay nên do đó đây không chỉ là hành vi trái đạo đức, mà còn là một hành vi vi phạm pháp luật xâm phạm đến quyền của người khác.

Tùy vào tính chất, mức độ hành vi mà người đặt camera quay lén người khác có thể bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

  • Xử phạt vi phạm hành chính:

Khoản 3 Điều 7 Nghị định 144/2021/NĐ-CP quy định:

3. Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây

a) Có hành vi khiêu khích, trêu ghẹo, xúc phạm, lăng mạ, bôi nhọ danh dự, nhân phẩm của người khác, trừ trường hợp quy định tại điểm b khoản 2 Điều 21 và Điều 54 Nghị định này;”

Khoản 5 Điều 7 Nghị định 144/2021/NĐ-CP quy định:

Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 8.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:

đ) Sàm sỡ, quấy rối tình dục

Nếu hành vi quay lén người khác với mục đích quấy rối tình dục thì bị xử phạt vi phạm hành chính

Điều 4 Nghị định 15/2020/NĐ-CP được sửa đổi bổ sung Nghị định 14/2022/NĐ-CP quy định:

“Mức phạt tiền quy định từ Chương II đến Chương VII tại Nghị định này được áp dụng đối với hành vi vi phạm hành chính của tổ chức, trừ quy định tại Điều 106 Nghị định này. Trường hợp cá nhân có hành vi vi phạm như của tổ chức thì mức phạt tiền bằng 1/2 mức phạt tiền đối với tổ chức.”

Điểm e khoản 3 Điều 102 Nghị định 15/2020/NĐ-CP được sửa đổi bổ sung Nghị định 14/2022/NĐ-CP quy định:

Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:

Thu thập, xử lý và sử dụng thông tin của tổ chức, cá nhân khác mà không được sự đồng ý hoặc sai mục đích theo quy định của pháp luật;

Điểm a khoản 1 Điều 101 Nghị định 15/2020/NĐ-CP được sửa đổi bổ sung khoản 37 Điều 1 Nghị định 14/2022/NĐ-CP quy định:

“1. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi lợi dụng mạng xã hội để thực hiện một trong các hành vi sau:

a) Cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân;”

Khoản 1 Điều 84 Nghị định 15/2020/NĐ-CP được sửa đổi bổ sung Nghị định 14/2022/NĐ-CP quy định:

1. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:

a) Thu thập thông tin cá nhân khi chưa có sự đồng ý của chủ thể thông tin cá nhân về phạm vi, mục đích của việc thu thập và sử dụng thông tin đó;

 b) Cung cấp thông tin cá nhân cho bên thứ ba khi chủ thể thông tin cá nhân đã yêu cầu ngừng cung cấp.

Ngoài ra Điều 13 Bộ luật Dân sự 2015 quy định: Bồi thường thiệt hại

“Cá nhân, pháp nhân có quyền dân sự bị xâm phạm được bồi thường toàn bộ thiệt hại, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác hoặc luật có quy định khác.”.

Như vậy người vi phạm còn phải bồi thường thiệt hại nếu có hậu quả xảy ra

  • Trách nhiệm hình sự.

Điều 155 Bộ luật Hình sự 2015 quy định: Tội làm nhục người khác

“1. Người nào xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự của người khác, thì bị phạt cảnh cáo, phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm:

a) Phạm tội 02 lần trở lên;

b) Đối với 02 người trở lên;

c) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;

d) Đối với người đang thi hành công vụ;

đ) Đối với người dạy dỗ, nuôi dưỡng, chăm sóc, chữa bệnh cho mình;

e) Sử dụng mạng máy tính hoặc mạng viễn thông, phương tiện điện tử để phạm tội;

g) Gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân từ 11% đến 45%.

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 05 năm:

a) Gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân 46% trở lên;

b) Làm nạn nhân tự sát.

4. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.”

Theo đó, người nào có hành vi quay lén người khác và sử dụng hình ảnh thông tin quay lén người khác làm nhục, xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự của người bị quay lén có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự tội làm nhục người khác với hình phạt cảnh cáo, phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm.

Bên cạnh đó, người phạm tội trong các trường hợp thuộc các tình tiết định khung tại khoản 2 và khoản 3 Điều này sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự với khung hình phạt tương ứng và hình phạt cao nhất lên đến 05 năm tù giam.

Điều 326. Bộ luật Hình sự 2015 quy định: Tội truyền bá văn hóa phẩm đồi trụy

“1. Người nào làm ra, sao chép, lưu hành, vận chuyển, mua bán, tàng trữ nhằm phổ biến sách, báo, tranh, ảnh, phim, nhạc hoặc những vật phẩm khác có nội dung khiêu dâm, đồi trụy hoặc hành vi khác truyền bá vật phẩm đồi trụy thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:

a) Dữ liệu được số hóa có dung lượng từ 01 gigabyte (GB) đến dưới 05 gigabyte (GB);

b) Sách in, báo in có số lượng từ 50 đơn vị đến 100 đơn vị;

c) Ảnh bản giấy có số lượng từ 100 ảnh đến 200 ảnh;

d) Phổ biến cho 10 người đến 20 người;

đ) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 10 năm:

a) Có tổ chức;

b) Dữ liệu được số hóa có dung lượng từ 05 gigabyte (GB) đến dưới 10 gigabyte (GB);

c) Sách in, báo in có số lượng từ 51 đơn vị đến 100 đơn vị;

d) Ảnh bản giấy có số lượng từ 201 ảnh đến 500 ảnh;

đ) Phổ biến cho 21 người đến 100 người;

e) Đối với người dưới 18 tuổi;

g) Sử dụng mạng internet, mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử để phạm tội;

h) Tái phạm nguy hiểm.

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:

a) Dữ liệu được số hóa có dung lượng 10 gigabyte (GB) trở lên;

b) Sách in, báo in có số lượng 101 đơn vị trở lên;

c) Ảnh bản giấy có số lượng 501 ảnh trở lên;

d) Phổ biến cho 101 người trở lên.

4. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.”

Quay lén là một tệ nạn đáng lo ngại, vi phạm nghiêm trọng quyền riêng tư của cá nhân và gây ra những hậu quả nghiêm trọng về tâm lý cũng như danh dự của nạn nhân. Để phòng tránh và đối phó với vấn nạn này, mỗi cá nhân cần nâng cao ý thức cảnh giác, áp dụng các biện pháp bảo vệ hiệu quả và hiểu rõ về quyền lợi của mình. Ngoài ra, cơ quan chức năng cần tăng cường công tác kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm để răn đe và ngăn chặn tệ nạn này. Cùng nhau, chúng ta có thể xây dựng một môi trường sống và làm việc an toàn, tôn trọng quyền riêng tư của mỗi cá nhân.

 
CÔNG TY LUẬT TNHH MỘT THÀNH VIÊN LEGAL DING

Địa chỉ: 125 Bế Văn Đàn, phường Chính Gián, quận Thanh Khê, thành phố Đà Nẵng
Email: luatlegalding@gmail.com
Điện thoại: 0935817456 - 0903891189

Chi nhánh

Dịch vụ