CÔNG TY LUẬT TNHH MỘT THÀNH VIÊN LEGAL DING

Con riêng của vợ cũ và bố dượng có được kết hôn không ?

Ngày đăng: 07/08/2023

Hôn nhân là sự liên kết đặc biệt giữa một người nam và một người nữ, Hôn nhân hợp pháp được Nhà nước thừa nhận và bảo vệ đó là cơ sở để phát triển hôn nhân bình đẳng và tiến bộ. Nhưng không phải bất cứ quan hệ nam nữ nào cũng có thể đi đến hôn nhân và được công nhận là hôn nhân hợp pháp. Hôn nhân hợp pháp là các bên trong quan hệ hôn nhân phải đáp ứng đầy đủ các điều kiện kết hôn theo quy định của pháp luật. Một mối quan hệ đôi khi chúng ta bắt gặp trong xã hội đó là Hôn nhân giữa con riêng của vợ cũ và bố dượng, liệu mối quan hệ hôn nhân này có được pháp luật thừa nhận không. Sau đây là các quy định pháp luật quy định về vấn đề này.

Cha dượng có bao giờ thương con riêng của vợ?

Hình minh hoạ

Trước tiên, cần phải hiểu rõ pháp luật Việt Nam quy định kết hôn là gì ?

Theo Khoản 5 Điều 3 Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014 quy định về kết hôn như sau: “Kết hôn là việc nam và nữ xác lập quan hệ vợ chồng với nhau theo quy định của Luật này về điều kiện kết hôn và đăng ký kết hôn.”

Có thể thấy, kết hôn là cơ sở pháp lý xác lập quan hệ vợ chồng giữa một người nam và một người nữ và khi xác lập quan hệ vợ chồng, các chủ thể phải đáp ứng đầy đủ các yêu cầu về điều kiện khi kết hôn và đăng ký kết hôn.

Điều kiện kết hôn được quy định tại Điều 8 Luật Hôn nhân gia đình năm 2014 như sau:

“Điều 8. Điều kiện kết hôn

1. Nam, nữ kết hôn với nhau phải tuân theo các điều kiện sau đây:

a) Nam từ đủ 20 tuổi trở lên, nữ từ đủ 18 tuổi trở lên;

b) Việc kết hôn do nam và nữ tự nguyện quyết định;

c) Không bị mất năng lực hành vi dân sự;

d) Việc kết hôn không thuộc một trong các trường hợp cấm kết hôn theo quy định tại các điểm a, b, c và d khoản 2 Điều 5 của Luật này.

2. Nhà nước không thừa nhận hôn nhân giữa những người cùng giới tính.”

Điểm a,b, c, d Khoản 2 Điều 5 Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014 có quy định như sau:

“2. Cấm các hành vi sau đây:

a) Kết hôn giả tạo, ly hôn giả tạo;

b) Tảo hôn, cưỡng ép kết hôn, lừa dối kết hôn, cản trở kết hôn;

c) Người đang có vợ, có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người khác hoặc chưa có vợ, chưa có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người đang có chồng, có vợ;

d) Kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng giữa những người cùng dòng máu về trực hệ; giữa những người có họ trong phạm vi ba đời; giữa cha, mẹ nuôi với con nuôi; giữa người đã từng là cha, mẹ nuôi với con nuôi, cha chồng với con dâu, mẹ vợ với con rể, cha dượng với con riêng của vợ, mẹ kế với con riêng của chồng;”

Ngoài ra, theo Điểm d khoản 1 Điều 59 Nghị định 82/2020/NĐ-CP quy định:

“1. Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:

d) Kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng giữa người đã từng là cha, mẹ nuôi với con nuôi, cha chồng với con dâu, mẹ vợ với con rể, cha dượng với con riêng của vợ, mẹ kế với con riêng của chồng”

Từ những quy định nêu trên có thể thấy, con riêng của vợ cũ và bố dượng không thể đăng ký kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng vì hành vi này thuộc các hành vị bị cấm theo Luật hôn nhân và gia đình. Ngoài ra, hành vi kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng giữa con riêng của vợ cũ và bố dượng còn bị xử phạt vi phạm hành chính từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng theo pháp luật Xử lý vi phạm hành chính.

CÔNG TY LUẬT TNHH MỘT THÀNH VIÊN LEGAL DING

Địa chỉ: 125 Bế Văn Đàn, phường Chính Gián, quận Thanh Khê, thành phố Đà Nẵng
Email: luatlegalding@gmail.com
Điện thoại: 0935817456 - 0903891189

Chi nhánh

Dịch vụ