CÔNG TY LUẬT TNHH MỘT THÀNH VIÊN LEGAL DING

MỘT SỐ VƯỚNG MẮC VỀ TỔNG HỢP HÌNH PHẠT CẢI TẠO KHÔNG GIAM GIỮ

Ngày đăng: 11/01/2024

Cải tạo không giam giữ là một trong những hình phạt đối với người phạm tội được quy định tại Điều 32 và Điều 36 Bộ luật Hình sự (BLHS). Thời hạn cải tạo không giam giữ tính từ ngày Tòa án giao người bị phạt cải tạo không giam giữ cho cơ quan, tổ chức nơi người đó làm việc, học tập hoặc Ủy ban nhân dân cấp xã (UBND) nơi người đó cư trú giám sát, giáo dục nhận được quyết định thi hành án và bản sao bản án. 

 

Quy định về phạt cải tạo không giam giữ

                                                                      Ảnh minh họa

 

Cải tạo không giam giữ là một trong bảy loại hình phạt chính, mang tính chất giáo dục, cải tạo để người phạm tội có cơ hội hoàn lương, trở thành công dân có ích cho xã hội. Cụ thể:

 

– Thời hạn áp dụng: Từ 06 tháng đến 03 năm, tùy trường hợp mà áp dụng mức hình phạt cụ thể khác nhau.

 

– Điều kiện áp dụng: Là phạm tội ít nghiêm trọng hoặc phạm tội nghiêm trọng mà đang có nơi làm việc ổn định hoặc có nơi cư trú rõ ràng nếu xét thấy không cần thiết phải cách ly người phạm tội khỏi xã hội.

 

– Người tiếp nhận: Cơ quan, tổ chức nơi người đó làm việc, học tập hoặc Ủy ban nhân dân (UBND) cấp xã nơi người đó cư trú để giám sát, giáo dục cùng với sự phối hợp từ gia đình. Trong từng trường hợp cụ thể mà Tòa án sẽ quyết định giao người phạm tội cho cơ quan tổ chức nơi học tập, làm việc hoặc giao cho UBND cấp xã. Việc giao cho ai giám sát, giáo dục sẽ được quy định rõ trong bản án sau khi kết thúc việc xét xử. 

 

– Nghĩa vụ: Thực hiện một số nghĩa vụ theo các quy định về cải tạo không giam giữ và bị khấu trừ một phần thu nhập từ 05% đến 20% để sung quỹ nhà nước. Việc khấu trừ thu nhập được thực hiện hằng tháng. Trong trường hợp đặc biệt, Tòa án có thể cho miễn việc khấu trừ thu nhập, nhưng phải ghi rõ lý do trong bản án.

 

Quy định về thời điểm bắt đầu và kết thúc việc chấp hành hình phạt cải tạo không giam giữ

 

Theo quy định tại khoản 3 Điều 2 Nghị quyết số 02/2010/NQ-HĐTP ngày 22/10/2010 thì “Thời điểm bắt đầu tính thời gian cải tạo không giam giữ là ngày cơ quan, tổ chức được giao giám sát, giáo dục người bị kết án nhận được quyết định thi hành án và bản sao bản án. Thời điểm bắt đầu tính thời gian cải tạo không giam giữ phải được tuyên trong phần quyết định của bản án”. 

 

Ngày 08/10/2021, TANDTC ra Quyết định số 355/QĐ-TANDTC về việc công bố danh mục văn bản quy phạm pháp luật hết hiệu lực toàn bộ thuộc lĩnh vực của TANDTC. Theo đó, Nghị quyết số 02/2010/NQ-HĐTP thuộc danh mục các văn bản quy phạm pháp luật đã hết hiệu lực, tuy vậy cho đến hiện tại vẫn chưa có văn bản, nghị quyết mới hướng dẫn thay thế về vấn đề này, cũng như bổ sung quy định liên quan đến thời điểm kết thúc việc chấp hành hình phạt cải tạo không giam giữ.

 

Vướng mắc

 

Tình huống: Nguyễn Văn N. (22 tuổi) phạm tội “Đưa trái phép thông tin mạng máy tính” theo quy định tại khoản 1 Điều 288 BLHS. N. đang chấp hành hình phạt 12 tháng cải tạo không giam giữ từ ngày 15/7/2021. Ngày 15/4/2021, Nguyễn Văn N. tổ chức đánh bạc và bị khởi tố về tội “Tổ chức đánh bạc” theo quy định tại Điều 322 BLHS.

 

Như vậy, N. đang trong thời hạn chấp hành hình phạt cải tạo không giam giữ mà tiếp tục phạm tội mới. Song, hình phạt đối với tội danh mới là phạt tù có thời hạn. Hình phạt cải tạo không giam giữ được chuyển đổi thành tù theo tỷ lệ cứ 03 ngày cải tạo không giam giữ được chuyển đổi thành 01 ngày tù để tổng hợp thành hình phạt chung. Căn cứ tại điểm b khoản 1 Điều 55 và khoản 2 Điều 56 BLHS khi tổng hợp hình phạt còn tồn tại nhiều quan điểm khác nhau như sau:

 

Quan điểm thứ nhất: Thời hạn cải tạo không giam giữ khi N. chưa chấp hành được chuyển đổi thành ngày tù tính từ ngày N. phạm tội mới. Do trong thời hạn cải tạo không giam giữ, N. phạm tội và bị cơ quan tiến hành tố tụng áp dụng biện pháp ngăn chặn mới nên N. không còn chịu sự giám sát, giáo dục của UBND nên việc chấp hành hình phạt cải tạo không giam giữ cũng kết thúc.

 

Quan điểm thứ hai: Thời hạn cải tạo không giam giữ N. chưa chấp hành được chuyển đổi thành ngày tù tính từ ngày tuyên án sơ thẩm. Do trong thời hạn cải tạo không giam giữ, tuy N. phạm tội mới nhưng N. vẫn chấp hành các chế tài (khấu trừ một phần thu nhập hàng tháng) của hình phạt cải tạo không giam giữ và chịu sự giám sát, giáo dục của UBND xã nên việc thi hành hình phạt cải tạo không giam giữ chưa kết thúc. Khi tuyên án sơ thẩm thì N. mới bị tuyên bố là có tội, do vậy có thể xem đây là mốc cố định để tổng hợp hình phạt.

 

Quan điểm thứ ba: Thời hạn cải tạo không giam giữ N. chưa chấp hành được chuyển đổi thành ngày tù tính từ ngày bản án có hiệu lực pháp luật hoặc từ khi N. bị tạm giam. Do kể từ khi N. phạm tội mới, nếu họ không bị tạm giữ, tạm giam hoặc đến ngày xét xử sơ thẩm và sau khi xét xử sơ thẩm N vẫn chịu sự giám sát, giáo dục của UBND xã, chưa chấm dứt việc thi hành hình phạt cải tạo không giam giữ. 

 

Tác giả đồng tình với quan điểm thứ ba, do hiện nay chưa có bất kỳ văn bản nào hướng dẫn cho cụ thể về thời điểm kết thúc việc chấp hành hình phạt cải tạo không giam giữ. Do đó, theo hướng có lợi nhất cho bị cáo N. thì tổng hợp hình phạt tại thời điểm N. đã hoàn thành việc chấp hành hình phạt cải tạo không giam giữ.

 

Kiến nghị

 

Cần bổ sung quy định về trường hợp người đang chấp hành hình phạt cải tạo không giam giữ mà phạm tội mới, thì thời điểm chấm dứt việc thi hành hình phạt cải tạo không giam giữ được tính từ khi nào, để xác định chính xác thời gian cải tạo không giam giữ còn lại sẽ được chuyển đổi thành tù để tổng hợp thành hình phạt chung. 

 

Nguồn: https://lsvn.vn/mot-so-vuong-mac-ve-tong-hop-hinh-phat-cai-tao-khong-giam-giu-1704212062.html

CÔNG TY LUẬT TNHH MỘT THÀNH VIÊN LEGAL DING

Địa chỉ: 125 Bế Văn Đàn, phường Chính Gián, quận Thanh Khê, thành phố Đà Nẵng
Email: luatlegalding@gmail.com
Điện thoại: 0935817456 - 0903891189

Chi nhánh

Dịch vụ