NGOẠI TÌNH VỚI NGƯỜI ĐÃ CÓ GIA ĐÌNH SẼ BỊ XỬ LÝ NHƯ THẾ NÀO?
Sự chung thủy trong hôn nhân là nền tảng quan trọng cho một mối quan hệ bền vững và hạnh phúc. Trong bối cảnh xã hội hiện đại, khi công nghệ và mạng xã hội có thể tạo ra nhiều cám dỗ, nhu cầu của con người ngày nâng cao việc duy trì lòng chung thủy trở nên thách thức hơn bao giờ hết. Chính vì vậy ngoại tình dần xuất hiện nhiều trong đời sống xã hội, nó là một vấn đề nhức nhối, ảnh hưởng sâu sắc đến hạnh phúc gia đình. Để hiểu rõ việc làm của mình có đang vi phạm nhưng quy định của pháp luật và chuẩn mực đạo đức hay không. Ta đặt câu hỏi “Việc ngoại tình với người đã có gia đình sẽ bị xử lý như thế nào?”.
Ngoại tình là gì?
Trong các văn bản quy phạm pháp luật Việt Nam không có khái niệm “ngoại tình” bởi đó là khái niệm rất rộng.
Ví dụ như 02 người đang yêu nhau, người đàn ông trong lúc yêu cô gái này vẫn yêu thêm một hoặc vài người khác hoặc ngược lại thì đó cũng được xem là ngoại tình hay trường hợp 02 người đang trong mối quan hệ vợ chồng nhưng người chồng hoặc vợ có rung động, nhắn tin, gọi điện hay thậm chí chỉ cần có những cử chỉ, ánh mắt trìu mến với người khác giới thì cũng được xem là ngoại tình,… Nhưng, theo Luật hôn nhân và Gia đình năm 2014 chỉ quy định đối với hành vi vi phạm chế độ hôn nhân một vợ, một chồng trong trường hợp sau:
Người đang có vợ, có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người khác hoặc chưa có vợ, chưa có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người đang có chồng, có vợ. (Theo khoản 2 Điều 5 Luật hôn nhân và Gia đình 2014).
Trong đó, hành vi “chung sống như vợ chồng” là việc người đang có vợ, có chồng chung sống với người khác hoặc người chưa có vợ, chưa có chồng mà lại chung sống với người mà mình biết rõ là đang có chồng, có vợ một cách công khai hoặc không công khai nhưng cùng sinh hoạt chung như một gia đình.
Người vi phạm chế độ hôn nhân một vợ một chồng, tuỳ theo tính chất, mức độ mà có thể bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự, cụ thể như sau:
Về chế tài hành chính
Theo Khoản 1 Điều 59 Nghị định 82/2020/NĐ-CP quy định về Hành vi vi phạm quy định về kết hôn, ly hôn và vi phạm chế độ hôn nhân một vợ, một chồng như sau:
“Điều 59. Hành vi vi phạm quy định về kết hôn, ly hôn và vi phạm chế độ hôn nhân một vợ, một chồng
- Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:
- a) Đang có vợ hoặc đang có chồng mà kết hôn với người khác, chưa có vợ hoặc chưa có chồng mà kết hôn với người mà mình biết rõ là đang có chồng hoặc đang có vợ;
- b) Đang có vợ hoặc đang có chồng mà chung sống như vợ chồng với người khác;
- c) Chưa có vợ hoặc chưa có chồng mà chung sống như vợ chồng với người mà mình biết rõ là đang có chồng hoặc đang có vợ;
- d) Kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng giữa người đã từng là cha, mẹ nuôi với con nuôi, cha chồng với con dâu, mẹ vợ với con rể, cha dượng với con riêng của vợ, mẹ kế với con riêng của chồng;
đ) Cản trở kết hôn, yêu sách của cải trong kết hôn hoặc cản trở ly hôn.”
Do đó, đối với hành vi “sống chung với người khác như vợ chồng” mà chưa gây hậu quả nghiêm trọng sẽ bị xử phạt hành chính từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng với mục đích răn đe, cảnh cáo đối với người có hành vi vi phạm.
Về chế tài hình sự:
Theo Điều 182 Bộ luật Hình sự năm 2015 có quy định về tội Vi phạm chế độ một vợ, một chồng như sau:
“Điều 182. Tội vi phạm chế độ một vợ, một chồng
- Người nào đang có vợ, có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người khác hoặc người chưa có vợ, chưa có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người mà mình biết rõ là đang có chồng, có vợ thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 01 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 01 năm:
- a) Làm cho quan hệ hôn nhân của một hoặc hai bên dẫn đến ly hôn;
- b) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm.
- Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:
- a) Làm cho vợ, chồng hoặc con của một trong hai bên tự sát;
- b) Đã có quyết định của Tòa án hủy việc kết hôn hoặc buộc phải chấm dứt việc chung sống như vợ chồng trái với chế độ một vợ, một chồng mà vẫn duy trì quan hệ đó.”
Như vậy, người có hành vi ngoại tình có thể có thể bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 01 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 03 năm.
Việc ngoại tình với người đã có vợ, đã có chồng là một hành động đầy rủi ro và đau khổ. Đằng sau những cảm xúc lấp lửng và hứng thú ban đầu là những đau thương không thể lời tả. Hậu quả của những quyết định sai lầm có thể kéo dài nhiều năm và thậm chí cả đời người. Đôi khi, những người tham gia cảm thấy hối tiếc và cảm thấy áy náy vì đã làm tổn thương những người mà họ yêu thương nhất.
Để xây dựng và giữ gìn một tình yêu và hôn nhân chắc chắn, điều cần thiết là sự chân thành và tôn trọng lẫn nhau. Việc đối phó với sự cám dỗ ngoại tình đòi hỏi sự mạnh mẽ, kiên định và ý thức rõ ràng về giá trị của mối quan hệ. Chỉ khi đó, chúng ta mới có thể bảo vệ và nuôi dưỡng những tình yêu chân thành, bền vững và đáng trân trọng.